NƯỚC ĐỨC QUA LĂNG KÍNH CỦA IECS
Có lẽ các bạn sắp đi du học Đức có vô vàn câu hỏi, thắc mắc hay thậm chí là hoài nghi về một cuộc sống màu hồng tại đất nước mình sắp đặt chân đến… Không biết cuộc sống đời thường của con người Đức, văn hóa Đức có giống với những gì bạn tự tìm hiểu và cảm nhận qua sách báo hay không!?! Không biết cuộc sống sinh viên Việt Nam tại Đức có khó khăn lắm không, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần!?!
Hiểu được điều đó, các anh chị của team IECS là những người đã học tập và làm việc tại Đức trong thời gian dài sẽ chia sẻ những cảm nhận rất thật của mình qua từng bài viết giúp các bạn học viên phần nào „cảm“ được nước Đức theo lăng kính của mỗi người. Và bạn sẽ tự trải nghiệm lại những điều đó khi các bạn được đặt chân lên nước Đức xinh đẹp vào một ngày không xa.
Phần 1: NHỮNG ĐIỀU KÌ LẠ Ở ĐỨC
Trong những năm tháng du học tại Đức, mình phát hiện khá nhiều điều thú vị nhưng cũng thật khó giải thích tại sao nó lại như vậy. Dưới đây là sự phỏng đoán của mình về những điều thú vị ấy.
SỰ BÌNH YÊN
Đầu tiên chính là sự yên bình đến lạ thường. Đến Đức, bạn có thể cảm nhận được một không gian lúc nào cũng yên tĩnh kể cả trên đường phố vào giờ cao điểm, ở nơi công cộng mà lẽ ra phải nhộn nhịp như chợ, siêu thị hay nhà ga hoặc bến tàu và trên xe buýt v.v. Phải chăng do các phương tiện giao thông „made in Germany“ ở đây quá hiện đại nên không phát ra nhiều tiếng ồn như ở Việt Nam? Hay đơn giản là vì tính kỉ luật, văn hóa nề nếp của con người Đức? Vâng, đó là do tính cách của những con người ở đây tạo ra sự khác biệt này đấy các bạn ạ! Người Đức khá điềm đạm, bình tĩnh trong cách ứng xử với mọi tình huống. Dù đường kẹt xe dài dằng dặc thế nào họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi, chứ không bấm còi inh ỏi để giành lối. Người Đức tuy to cao nhưng họ luôn nói chuyện với âm lượng vừa đủ nghe, dù ở quán ăn, nhà hàng hay nhà hát lớn. Có lẽ người Đức yêu tính kỉ luật, sự yên tĩnh và bình thản trong cuộc sống. Họ tận hưởng và bảo vệ điều đó. Và bạn biết không, ngay cả những chú chó Đức cũng không bao giờ sủa như ở Việt Nam.
BỮA ĂN CỦA NGƯỜI ĐỨC
Điều đặc biệt tiếp theo mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn đó là nếp ăn uống của người Đức. Tuy to lớn là thế nhưng bạn sẽ khá ngạc nhiên khi thấy lượng thức ăn cho mỗi bữa thật sự không đáng kể so với trọng lượng của họ. Một ngày người Đức thường ăn hai bữa „lạnh“ và một bữa „nóng“. Có nghĩa là, họ thường ăn bánh mì với bơ, thịt nguội hoặc đơn giản chỉ salad và trái cây vào bữa sáng và tối. Bữa trưa họ sẽ ăn những món ăn nóng như cơm, bún và mì…Một vài nhà vì không có thời gian nấu nướng vào bữa trưa thì bữa ăn nóng sẽ được chuyển thành buổi tối.
Đối với các bạn học sinh, bạn có thể chọn ăn bữa trưa bằng suất ăn nóng tại Mensa (căn-tin) trong trường hoặc đơn giản hơn bạn có thể đem theo một mẩu bánh mì cùng hộp trái cây nhỏ được chuẩn bị sẵn từ nhà. Với lượng thức ăn ấy riêng mình cảm nhận không đủ no mà các bạn người Đức vẫn luôn tràn đầy năng lượng học và làm việc cả buổi chiều. Theo lời một người chị quen biết (người Đức gốc Việt) lý giải thì tuy lượng thức ăn của họ ít nhưng „đủ chất“, vì trong bánh mì có chứa chất béo từ bơ và phô mai nên tạo ra nhiều năng lượng cũng như giúp họ cảm giác no lâu hơn ăn cơm của người Việt mình.
Trong bữa ăn chính của người Đức (bữa trưa hoặc tối tùy hoàn cảnh) các bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy lượng thịt khá ít, chủ yếu là rau củ quả. Và một điều thú vị nữa là người Đức thích ăn sống các loại rau củ như cà rốt, ớt chuông, đậu que, ngay cả nấm cũng chỉ cần rửa sơ qua xong là chén như một món snack dinh dưỡng. Họ cho rằng ăn sống như thế sẽ giữ được tất cả hương vị cũng như vitamin trong rau củ quả.
TẠI ĐỨC TRẺ EM ĐƯỢC TÔN TRỌNG TUYỆT ĐỐI
Cuối cùng chính là sự kiên nhẫn và tôn trọng trẻ em của người Đức phải làm mình thán phục. Bố mẹ hay giáo viên Đức thường giải quyết những trường hợp bướng bỉnh hay nhõng nhẽo của các bé bằng việc nói chuyện riêng với con. Dù bé mới 1-2 tuổi thôi nhưng người lớn vẫn cư xử bình đẳng và tôn trọng. Họ luôn bình tĩnh giữ thái độ ôn hòa với con, đặc biệt là không bao giờ quát mắng bé dù trong hoàn cảnh nào. Bố mẹ kiên nhẫn nói chuyện, giải thích mọi thứ với con và đối xử với chúng như những người trưởng thành thật thụ. Dĩ nhiên, với những trường hợp quá khích thì họ buộc phải ôm bé vào lòng để giữ trẻ bình tĩnh lại. Đến bây giờ, khi đã có con nhỏ, mình vẫn không thể lý giải được tại sao người Đức lại có thể kiên nhẫn với trẻ em đến như vậy. Phải chăng do cách giáo dục lâu đời đó được thấm nhuần trong dòng máu họ từ thế hệ này qua thế hệ khác!?! Phải chăng một môi trường sống bình yên, một cuộc sống không bon chen đã tạo nên những người Đức ôn hoà và điềm tĩnh!?!
Qua bao nhiêu năm tháng, nước Đức đọng lại trong tôi là sự an yên nhưng năng động, là sự cổ kính nhưng hiện đại và cũng là nơi con người được tôn trọng, được sống thật, sống hết mình. Có lẽ luôn có nhiều tranh cãi về một nơi đáng sống nhất cho mỗi người… Riêng tôi vẫn luôn tiếc nuối khi phải rời xa nước Đức – một đất nước bình yên với những con người „thật“ đến lạ!!!
Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links.