Nước Đức

Có nên học lái xe ô tô ở Đức không?

1. Có nên học lái xe ở Đức không?

Trước khi đặt ra câu hỏi có nên đi học bằng lái xe ở Đức hay không thì chúng ta nên biết rằng mình có được phép học hay không? Có thể các bạn không biết rằng người nước ngoài đi học, đi làm hay đoàn tụ cũng có quyền học bằng lái xe ở Đức, với điều kiện là người đó đã ở Đức hợp pháp tối thiểu 185 ngày, tức là khoảng trên 6 tháng.

Bằng lái xe ở Đức

Trở lại với câu hỏi có nên học lái xe ở Đức không thì trước tiên chúng ta phải xác định mình có thực sự cần lái xe ở Đức không. Bởi vì thi bằng lái xe ở Đức không đơn giản, bao gồm cả thi lý thuyết và thực hành. Khoảng 1,8 triệu bài kiểm tra sát hạch lái xe lý thuyết được thực hiện ở Đức mỗi năm, và hơn một phần ba người dự thi không vượt qua được kì thi này, hay nói cách khác là trượt. Ngay cả với bài thi thực hành thì tỉ lệ trượt cũng rơi vào khoảng gần 30%. Nói như vậy để thấy được rằng thi bằng lái xe ở Đức không hề đơn giản ngay đối cả với người Đức.

Nếu vì tính chất công việc hay cuộc sống mà bạn bắt buộc phải lái xe ở Đức hoặc du học sinh Đức xác định ở lại Đức làm việc và sinh sống lâu dài thì bạn nên học bằng lái xe ở Đức để thuận tiện cho công việc của bản thân. Đặc biệt là đối với sinh viên, bạn có thể tận dụng được thời gian rảnh trong kỳ nghỉ của mình để học và thi bằng lái xe.

Có một ưu điểm nữa khi sở hữu bằng lái do Chính phủ Đức cấp là bạn có thể lái xe ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), tức là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cộng với Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Ở các quốc gia này, giấy phép lái xe của Đức có giá trị không giới hạn, như vậy sẽ rất thuận tiện nếu bạn sở hữu một chiếc xe và đi du lịch cùng bạn bè hay gia đình sang các nước lân cận.

Hiện nay tại Đức và các quốc gia châu Âu còn cung cấp hệ thống thuê xe theo giờ (Car Sharing), bạn chỉ cần cài đặt ứng dụng của nhà cung cấp (ví dụ như DriveNow, Car2Go…) rồi tìm chiếc xe gần nhất và đến đó lấy xe đi. Như vậy chỉ cần sở hữu bằng lái xe ở Đức thôi mà chưa cần sở hữu một chiếc xe với chi phí mua cũng như bảo dưỡng đắt đỏ bạn cũng có thể lái xe khi có việc cần đến rồi.

2. Thủ tục đăng kí học bằng lái xe ở Đức?

Sau khi xác định được bản thân nên thi bằng lái xe ở Đức rồi thì việc tiếp theo các bạn cần làm là tìm hiểu quy trình để có được bằng lái xe ở Đức. Để có được một bằng lái xe ở Đức bạn cần làm 7 bước sau.

Bước 1: Đăng kí với một trường dạy lái xe (Anmeldung bei einer Fahrschule). Bạn nên tìm hiểu trước các trường và so sánh chi phí của các trường hoặc hỏi kinh nghiệm của bạn bè, người quen biết đã từng thi lái xe ở Đức.

Bước 2: Kiểm tra thị lực mắt của bạn và đăng kí tham gia 1 khóa học sơ cứu (Sehtest und Erste-Hilfe-Kurs). Cái này bạn cần làm để nộp cho cơ quan cấp giấy phép lái xe (Führerschein-Behörde) sau này.

Bước 3: Nộp đơn xin thi bằng lái xe (Antrag). Thường thì các trường dạy lái xe sẽ làm việc này giúp bạn. Thời gian xử lí kéo dài tối thiểu 5 tuần. Trong thời gian này bạn có thể học lái xe nhưng chưa thể thi.

Bước 4: Giờ học lý thuyết (Theorieunterricht). Sau khi trả học phí thì bạn có thể ngay lập tức tham gia khoá học lái xe gồm 14 phần khác nhau, mỗi phần kéo dài 90 phút. Và bạn phải có mặt tối thiểu 12 lần học thì mới đủ điều kiện để được thi bằng lái xe ở Đức, tức là người học được phép nghỉ tối đa 2 lần trong khoá học.

Bước 5: Giờ thực hành (Praxisunterricht). Thời gian học thực hành lái xe thì bạn thảo luận với thầy dạy của mình, thông thường là 90 phút (2 tiết học). Không có quy định về số thời gian tối thiểu mà người học lái xe ở Đức phải học nhưng trung bình thì khoảng 18 tiết học, tùy khả năng tiếp thu của mỗi người mà số tiết học thực hành có thể ít hơn hoặc nhiều hơn.

Bước 6: Kì thi lý thuyết (Theorieprüfung). Khi bạn hoàn thành hết tất cả các giờ học của khoá lí thuyết về lái xe ở Đức thì bạn có thể đăng kí thi. Có tất cả khoảng 1000 câu hỏi trong bộ đề luyện thi, tuy nhiên đề thi sẽ có 30 câu và bạn chỉ được phép sai nhiều nhất là 10 câu.

Bước 7: Kì thi thực hành (Praxisprüfung). Sau khi bạn thi đỗ bài thi lý thuyết thì mới được thi thực hành. Thầy giáo dạy bạn sẽ là người biết khi nào thì bạn có thể đi thi thực hành. Và đương nhiên là bạn sẽ phải trả tiền cho mỗi giờ dạy thực hành lái xe (khoảng 30-40€). Nếu lái tốt bạn sẽ tiết kiệm được chi phí học, còn nếu thầy thấy bạn vẫn chưa đủ khả năng để thi thì phải mất một khoản nhiều hơn. Thông thường một người sẽ phải trả khoảng 2.000€ để có thể sở hữu được bằng lái xe ở Đức.

Xem thêm: Các phương tiện giao thông ở Đức

3. Bằng lái xe quốc tế có được dùng ở Đức?

Dù là ở Việt Nam bạn có sở hữu bằng lái xe quốc tế (Internationaler Führerschein) hay chỉ sở hữu bằng lái xe trong nước thì bạn vẫn sẽ được phép sử dụng tại Đức trong vòng 6 tháng đầu kể từ ngày bạn đăng kí thường trú. Sau đó giấy phép lái xe của bạn sẽ không còn hiệu lực nữa.

Việc lái xe sử dụng giấy phép hết hiệu lực tại Đức sẽ bị phạt. Nếu muốn tiếp tục lái xe tại Đức thì bạn phải thực hiện việc đổi bằng. Với nhiều bằng ở các quốc gia EU khác thì việc đổi bằng đơn giản hơn. Tuy nhiên đối với bằng lái xe ở Việt Nam và đa số các quốc gia khác thì người tham gia giao thông vẫn phải tham gia kì thi lý thuyết và thực hành.

Tham khảo link tại  đây 

4. Tipp thi bằng lái xe ở Đức 1 lần là đỗ

Như đã nói ở trên, việc thi bằng lái xe ở Đức không hề đơn giản ngay với cả người Đức. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thi đỗ ngay lần đầu dù là người nước ngoài. Sau đây là những lời khuyên hữu ích giúp bạn có thể đậu ngay bằng lái xe lần đầu tiên thi tại Đức.

  • Không học thuộc lòng. Việc học thuộc lòng sẽ không giúp bạn vượt qua kì thi một cách dễ dàng mà thậm chí còn tạo cảm giác lo sợ, hồi hộp nếu gặp câu chưa ôn hay quên đáp án. Lời khuyên là bạn nên nắm chắc những luật chung cơ bản nhất trong việc lái xe, như vậy thì không có câu hỏi nào „hơi lạ“ làm khó được bạn cả.
  • Tận dụng thời gian chết để ôn tập. Bạn có thể ôn tập ở nhà với bộ đề thi trên giấy hay thậm chí lúc ngồi trên tàu, chờ Bus với các App ứng dụng trên smartphone. Quan trọng là bạn phải tận dụng thời gian chết và ôn đi ôn lại bộ đề1000 câu hỏi này để có thể trả lời nhanh và chính xác trong thời gian ngắn nhất. Vì hầu hết không phải ai cũng dành nguyên cả mấy tháng trời ra chỉ để học bằng lái xe mà còn phải đi học, đi làm nữa.
  • Tìm hiểu chi tiết của xe. Trong giờ thi thực hành thì giám thị ngoài việc xem bạn có lái được hay không, lùi xe, đỗ xe, thái độ và trách nhiệm khi lái sẽ còn đặt ra cho bạn một vài câu hỏi về cái xe bạn đang lái. Ví dụ như làm thế nào để bật đèn gầm cao, độ sâu gai lốp tối thiểu hoặc ý nghĩa của đèn điều khiển cá nhân trong buồng lái. Tốt nhất là bạn nên hỏi người hướng dẫn lái xe trong mỗi giờ tập lái, rồi viết các câu hỏi kèm trả lời đó ra sổ tay, tập hợp lại và học đi học lại nhiều lần.
  • Tự tạo động lực cho bản thân. Thi bằng lái xe ở Đức cũng giống như các kì thi khác trong cuộc đời học sinh, sinh viên vậy. Tốt nhất là bạn nên lập ra một kế hoạch học cụ thể, chia lượng kiến thức thành các phần nhỏ rồi học. Sau mỗi phần học có thể thưởng cho mình một thứ gì đó ví dụ một tập phim trên Netflix hay nấu một món ngon như để tạo động lực cho chính bản thân vậy.
  • Chú ý cung đường mà giáo viên hay cho chạy xe. Thường đa số giáo viên cũng hay cho bạn chạy những cung đường mà sẽ có thể giám khảo cho chạy trong bài thi. Trên các cung đường này thường có những lỗi mà học viên hay mắc phải như có đoạn đường đèn xanh cho người đi bộ băng qua đường mà mình thường hay không chú ý, đoạn đường có tốc độ chậm dưới 30 ở khu dân cư. Đoạn đường phải đổi làn 2 lần liên tiếp nhau cũng có thể làm khó nếu bạn mới lái xe vì trong thời gian tích tắc bạn phải quyết định được là chọn làn đường nào (trái, phải hay giữa) để chạy xe. Nói chung những dặn dò của giáo viên trong các giờ thực hành là hết sức quan trọng, các bạn cần ghi nhớ và chú ý để không bị giám khảo đánh rớt trong kì thi vì một bất cẩn nhỏ nào của bạn.
  • Tự tin, bình tĩnh, chiến thắng. Trong tiếng Đức có câu „kein Preis ohne Fleiß“, có nghĩa là thành công chỉ có thể đạt được nếu bạn đã đủ cố gắng. Nếu đã cố gắng đủ, học nghiêm túc và chăm chỉ rồi thì không còn gì mà bạn phải lo sợ nữa. Giữ cho mình tâm thế bình tĩnh và cái đầu tỉnh táo để chinh phục kì thi thôi.

Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu được phần nào về việc học bằng lái xe ở Đức và có thể đưa ra được quyết định cho bản thân mình. Nếu các bạn đã quyết định học thi lái xe ở Đức thì chúc các bạn thành công! Viel Erfolg!

Xem thêm: Giao thông công cộng ở Đức

Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links. 

THAM KHẢO THÊM:

IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đứctrung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức IECS và Vuatiengduc chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp.

5/5 - (1 bình chọn)