Wortstellung im Satz: Cách sắp xếp trật tự từ trong câu (A1)
Để viết hay nói được một câu tiếng Đức tốt, ngoài việc phải nắm vững các kiến thức ngữ pháp và có một vốn từ vựng rộng, chúng ta còn cần nắm rõ về cách sắp xếp trật tự từ trong câu.
Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về trật tự từ trong câu tiếng Đức (Wortstellung im Satz) cũng như quy tắc phổ biến TeKaMoLo ở bài viết dưới đây.
Tổng quan về cách sắp xếp trật tự từ trong câu
Trong tiếng Đức, vị trí các phần trong câu rất quan trọng. Vì vậy, để viết và nói được một câu tiếng Đức hoàn chỉnh và chính xác, ta cần tuân theo các quy tắc sau đây:
- Tân ngữ gián tiếp (Dativ) đứng trước tân ngữ trực tiếp (Akkusativ).
- Nếu tân ngữ trực tiếp nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) thì tân ngữ trực tiếp lại đứng trước tân ngữ gián tiếp.
- Cụm các trạng từ sẽ tuân theo quy tắc TeKaMoLo.
- Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo) hoặc xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường).
Các quy tắc được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Có nghĩa là bạn phải thỏa mãn được quy tắc 1 rồi mới tiếp tục xét đến quy tắc 2,3,4 có thỏa mãn hay không.
Bạn cần lưu ý rằng những quy tắc ở trên không phải lúc nào cũng đúng. Sẽ có những ngoại lệ vì tiếng Đức vốn là một thứ ngôn ngữ không có quy tắc, nhưng những ngoại lệ đó sẽ không nhiều nên bạn vẫn có thể yên tâm áp dụng 4 quy tắc ở trên cho việc đặt câu.
Cùng làm rõ 4 quy tắc trên nhé.
Quy tắc 1: Tân ngữ gián tiếp (Dativ) đứng trước tân ngữ trực tiếp (Akkusativ)
z.B: Ich gebe meiner Eltern die Blumen.
=> Động từ geben đòi hỏi 2 tân ngữ.Tân ngữ gián tiếp ở cách 3 (Dativ): meiner Eltern và tân ngữ trực tiếp ở cách 4 (Akkusativ): die Blumen. Bạn có thể thấy, vị trí của meiner Eltern được đặt trước vị trí của die Blumen.
Ta có thể thay thế meiner Eltern (tân ngữ gián tiếp) bằng ihnen (đại từ nhân xưng). Kết quả vẫn sẽ là ihnen (Dativ) đứng trước die Blumen (Akkusativ)
Ich gebe ihnen die Blumen.
Quy tắc 2: Nếu tân ngữ trực tiếp nằm ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) thì tân ngữ trực tiếp lại đứng trước tân ngữ gián tiếp
Chúng ta sẽ sử dụng luôn ví dụ ở trên:
Ich gebe meiner Eltern die Blumen.
Nhưng bạn sẽ thay thế die Blumen (tân ngữ trực tiếp) bằng sie (đại từ nhân xưng). Và giờ thì áp dụng quy tắc số 2: Akkusativ đứng trước Dativ thôi.
Ich gebe sie meiner Eltern.
sie ở đây là tân ngữ trực tiếp nhưng nó ở dạng đại từ nhân xưng (Personalpronomen) nên nó sẽ được đứng trước tân ngữ gián tiếp meiner Eltern. Ngay cả khi bạn thay thế luôn meiner Eltern (tân ngữ gián tiếp) bằng ihnen (đại từ nhân xưng) => vẫn phải tuân theo quy tắc số 2.
Ich gebe sie ihnen. => cả sie và ihnen đều là đại từ nhân xưng (Personalpronomen), nhưng sie là tân ngữ trực tiếp nên nó sẽ được đứng trước tân ngữ gián tiếp ihnen.
Quy tắc 3: Cụm các trạng từ sẽ tuân theo quy tắc TeKaMoLo
Trong một câu tiếng Đức thông thường sẽ không chỉ đơn giản xuất hiện những thành phần cơ bản như chủ ngữ, động từ và vị ngữ mà còn có những trạng từ để bổ sung ý nghĩa của câu. Có 4 loại trạng từ cơ bản:
- Trạng từ chỉ thời gian (Temporal): Trả lời cho câu hỏi Wann?
- Trạng từ chỉ nguyên nhân (Kausal): Trả lời cho câu hỏi Warum?
- Trạng từ chỉ cách thức (Modal): Trả lời cho câu hỏi Wie?
- Trạng từ chỉ địa điểm (Lokal): Trả lời cho câu hỏi Wo? / Woher? / Wohin?
Quy tắc TeKaMoLo chính là thứ tự tên viết tắt của 4 loại trạng từ kể trên và cũng là thứ tự xuất hiện của chúng trong câu. Trạng từ chỉ thời gian (Temporal) sẽ xuất hiện đầu tiên, sau đó đến Trạng từ chỉ nguyên nhân (Kausal), rồi đến Trạng từ chỉ cách thức (Modal), cuối cùng là Trạng từ chỉ địa điểm (Lokal).
z.B: Er fährt morgen wegen eines Termins mit dem Auto nach Bonn. (Ngày mai anh ấy sẽ tới Bonn bằng xe ô tô vì có một cuộc hẹn)
=> Chúng ta dễ dàng nhận thấy 4 thành phần trạng từ trong câu cũng được sắp xếp đúng theo quy tắc TeKaMoLo
Temporal: morgen (thời gian – ngày mai)
Kausal: wegen eines Termins (nguyên nhân – vì một cuộc hẹn)
Modal: mit dem Auto (cách thức – bằng xe ô tô)
Lokal: nach Bonn (địa điểm – tới Bonn)
Không phải lúc nào trong câu cũng cần đủ 4 thành phần trạng từ, tuy nhiên trật tự các trạng từ còn lại vẫn phải được duy trì đúng quy tắc TeKaMoLo:
z.B: Er wird in nächsten Monat allein nach Paris fliegen. (Trong tháng tới anh ấy sẽ một mình bay đến Paris.)
=> Bạn có thể nhận thấy 4 thành phần trạng từ trong câu được sắp xếp đúng theo quy tắc TeKaMoLo chỉ xuất hiện 3 trạng từ:
Temporal: in nächsten Monat (thời gian – tháng tới)
Kausal: không có
Modal: allein (cách thức – một mình)
Lokal: nach Paris (địa điểm – tới Pháp)
Quy tắc 4: Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu hoặc xuất hiện cuối câu
a. Bộ phận quan trọng nhất thường được đưa lên đầu câu (đối với câu đảo)
Quy tắc TeKaMoLo cũng rất linh hoạt, nếu bạn muốn nhấn mạnh vào trạng từ nào, bạn hoàn toàn có thể đưa trạng từ đó lên đầu câu (câu đảo), nhưng trật tự của các trạng từ còn lại vẫn phải đảm bảo đúng quy tắc TeKaMoLo.
Chúng ta vẫn lấy nguyên câu ví dụ ở phần 3 nhưng đảo đi một chút:
In nächsten Monat wird er allein nach Paris fliegen.
=> Trạng từ chỉ thời gian in nächsten Monat được đưa lên đầu câu nhằm mục đích nhấn mạnh vào “tháng sau” chứ không phải bất kỳ tháng nào khác. Vị trí của các trạng từ còn lại vẫn được giữ nguyên.
Hoặc đảo một trạng từ khác:
Nach Paris wird er in nächsten Monat allein fliegen.
=> Trạng từ chỉ địa điểm nach Paris được đưa lên đầu câu nhằm mục đích nhấn mạnh vào địa điểm tới là “Paris” chứ không phải bất kì địa điểm nào khác. Vị trí của các trạng từ còn lại vẫn được giữ nguyên.
b. Bộ phận quan trọng nhất thường xuất hiện cuối câu (đối với câu bình thường – không phải câu đảo)
Ở ví dụ trên trong câu chỉ gồm chủ ngữ + động từ + cụm các trạng từ. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét khi trong câu xuất hiện thêm các tân ngữ.
Đầu tiên là câu có xuất hiện tân ngữ trực tiếp (Akkusativ), vậy vị trí của tân ngữ trực tiếp này sẽ đặt ở đâu so với vị trí của cụm trạng từ TeKaMoLo? – Tất nhiên là bạn có thể đặt ở bất kỳ đâu! Và nhớ là bộ phận quan trọng nhất sẽ luôn nằm ở vị trí cuối câu
Ví dụ: chúng ta có tân ngữ trực tiếp “einen Deutschkurs”:
- Chúng ta đặt “einen Deutschkurs” ở trước toàn bộ cụm TeKaMoLo: Ich habe einen Deutschkurs letztes Jahr in der Sprachschule besucht. => phần thông tin cần chú ý sẽ là “in der Sprachschule” – nhấn mạnh trạng từ chỉ địa điểm.
- Hay đặt “einen Deutschkurs” sau toàn bộ cả cụm TeKaMoLo: Ich habe letztes Jahr in der Sprachschule einen Deutschkurs besucht. => phần thông tin cần chú ý sẽ là “einen Deutschkurs” – nhấn mạnh tân ngữ trực tiếp.
=> Cả 2 câu trên đều đúng ngữ pháp, chỉ khác ở chỗ việc nhấn mạnh vào bộ phận quan trọng nằm ở cuối câu.
Nếu xuất hiện đồng thời cả tân ngữ gián tiếp và tân ngữ trực tiếp, thì tân ngữ gián tiếp vẫn đứng trước tân ngữ trực tiếp và luôn luôn đứng trước cụm TeKaMoLo. Bạn xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn nhé:
- Ich habe ihr diese Schriftzeichen geduldig erklärt. (Tôi đã giải thích cho cô ấy những ký tự này rất kiên nhẫn)
=> Tân ngữ gián tiếp ihr đứng trước tân ngữ trực tiếp diese Schriftzeichen. Cả 2 tân ngữ này lại đứng trước cụm TeKaMoLo (ở đây chỉ có trạng từ chỉ cách thức Modal: geduldig). Trong câu này, thông tin cần nhấn mạnh sẽ là geduldig – được đặt ở cuối câu. Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là tôi đã giải thích cho cô ấy về cái 1, mà là tôi đã giải thích một cách rất kiên nhẫn chứ không qua loa.
Đối với những động từ đi kèm giới từ, thì phần nội dung liên quan đến giới từ sẽ đặt ở cuối câu vì đây là những thông tin quan trọng, không có chúng thì động từ sẽ vô nghĩa.
Ich möchte mich vor diesem Winter mit einem Sprachkurs auf meinen Auslandsaufenthalt vorbereiten. (Tôi muốn chuẩn bị cho cuộc sống ở nước ngoài của mình bằng một khóa học tiếng trước mùa đông này)
=> Thành phần câu: vor diesem Winter (thời gian – Temporal) đứng trước mit einem Sprachkurs (cách thức – Modal). Tân ngữ đi với giới từ auf meinen Auslandsaufenthalt được đặt cuối cùng vì đây là thông tin quan trọng nhất của động từ kèm giới từ vorbereiten + auf.
Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links.
THAM KHẢO THÊM:
- W-Fragen và Ja/Nein-Fragen trong tiếng Đức
- Vị trí của 1 động từ trong tiếng Đức
- Cách tự học tiếng Đức hiệu quả
IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đức và trung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức, chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp.
- Du Học Đức 2025: Thông tin từ A-Z - 01/01/2025
- Du Học Nghề Đức 2025: Hướng Dẫn Điều Kiện, Chi Phí Từ A – Z - 01/01/2025
- Bia Đức dưới góc nhìn người Việt - 11/12/2024