Dù là một người yêu thích vật lý hay không thì khi nhắc đến Albert Einstein, chắc hẳn không ai trong chúng ta còn lạ lẫm với cái tên của nhà vật lý thiên tài người Đức này.
Albert Einstein (1879-1955) sinh ra tại thành phố Ulm thuộc tiểu bang Baden-Württemberg, bên bờ sông thơ mộng Danube của Đức. Được thừa hưởng dòng máu của người Do Thái từ bố mẹ, ngày từ khi còn học tiểu học, Einstein đã sớm bộc lộ năng khiếu thiên bẩm với các môn học khoa học tự nhiên, trong đó phải kể đến vật lý và toán học. Cơ duyên ông nảy sinh hứng thú và đam mê với vật lý cũng bắt đầu từ lúc còn nhỏ, khi Einstein được bố cho xem chiếc la bàn bỏ túi.
Mặc dù sinh ra tại Đức nhưng đến năm 15 tuổi, do bất mãn với hệ thống giáo dục giáo điều, đầy tính kỷ luật hà khắc làm hạn chế sự sáng tạo của học sinh và cũng để tránh việc phải tham gia nghĩa vụ quân sự, Einstein đã quyết định bỏ dở chương trình học ở Munich để sang Pavia, Ý, nơi gia đình ông chuyển đến sau khi đóng cửa nhà máy điện ở Munich.
Mùa hè năm 1895, Einstein tham gia kỳ thi đầu vào của trường Bách khoa liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich) ở Zürich. Mặc dù là thí sinh trẻ nhất và có thành tích cao ở phần thi các môn khoa học tự nhiên, nhưng Einstein vẫn trượt kỳ thi vì không đủ điểm môn kiến thức tiếng Pháp.
Theo lời khuyên của hiệu trưởng, Einstein sau đó đã theo học trường thành bang Aargau ở Aarau, Thụy Sỹ để hoàn thiện cấp bậc phổ thông. Sau khi tốt nghiệp với điểm số cao, nhất là ở các môn khoa học tự nhiên, ông bắt đầu chương trình cử nhân sư phạm vật lý và toán học của trường ETH Zürich.
Xem thêm : Khám phá thành phốZürich
Dẫu sở hữu tấm bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm toán và vật lý, Einstein không thành công khi xin làm trợ lý tại trường ETH Zürich và phải mất một quãng thời gian vất vả sau đó để tìm một công việc ổn định. Cuối cùng vào tháng 6 năm 1902, theo sự giới thiệu của người bạn Marcel Grossmann, Einstein có được một công việc trong vai trò là chuyên gia kỹ thuật hạng ba tại văn phòng sáng chế Thụy Sĩ ở Bern.
Tại đây, ông có cơ hội giao lưu với nhiều sinh viên toán học, triết học và thành lập một câu lạc bộ vẫn được ông nói đùa là Viện hàn lâm Olympia. Sau năm 1908, Einstein xin nghỉ việc tại văn phòng sáng chế.
Những năm sau đó, ông bắt đầu được chú ý và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín như: giáo sư thực thụ tại Đại học Karl-Ferdinand ở Praha, giám đốc Viện Kaiser Wilhelm về vật lý tại Đức, thành viên Viện hàn lâm khoa học Phổ, … Năm 1933 Einstein đảm nhiệm chức vụ giáo sư tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton tại Princeton, New Jersey, Mỹ. Đây cũng là nơi làm việc ông gắn bó cho đến cuối đời.
Trong thời gian chuyển đến sống cùng gia đình tại Ý, Einstein đã cho ra đời tiểu luận khoa học đầu tiên của mình có tên là “Khảo cứu trạng thái Ether trong từ trường”, khi đó ông mới 16 tuổi. Trong những năm tiếp theo của cuộc đời, ông tiếp tục cho ra đời hơn 300 bài báo khoa học cùng 150 bài viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt nổi tiếng là các phát minh về: thuyết tương đối, thuyết lượng tử, cơ sở của vũ trụ học, định luật quang điện.
Tuy những công trình nghiên cứu của Einstein đều chỉ là lý thuyết, nhưng trên thực tế hiện nay, con người đã và đang áp dụng rất nhiều lý thuyết của ông để ứng dụng vào cuộc sống đời thường. Ví dụ dựa vào thuyết tương đối rộng, các nhà nghiên cứu có thể điều chỉnh độ chính xác của GPS, hay ứng dụng vào khám phá vũ trụ, …
Đã từng nghe đến cái tên Einstein gắn liền với thuyết tương đối, lý thuyết lượng tử hay định luật quang điện, nhưng không phải ai cũng biết rằng ông cũng đã góp phần thúc đẩy cuộc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ.
Vào tháng 8 năm 1939 Einstein đã ký một lá thư do Leó Szilárd viết cho Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt, cảnh báo ông về nguy cơ Đức chế tạo thành công một loại bom mới có liên quan đến hạt nhân nguyên tử và vì vậy nước Mỹ cần tiến hành nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử để có thể tự vệ trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Lá thư này đã được chấp thuận, đồng nghĩa với dự án bom nguyên tử cũng được tiến hành và kết quả là Mỹ đã thành công và trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí chiến tranh nguy hiểm này trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhưng khoảng thời gian sau đó, Einstein lại lên tiếng ủng hộ phong trào ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai, khi ông nhận thấy sự hủy diệt đáng sợ của loại bom này sau sự kiện Mỹ ném bom tại 2 thành phố lớn của Nhật để trả thù quân sự. Cho đến những năm tháng cuối đời, trước lúc ra đi vào năm 1955 tại Princeton, Mỹ vì căn bệnh phình động mạch chủ, Einstein vẫn luôn canh cánh trong lòng về lỗi lầm này.
Mặc dù vậy, những đóng góp to lớn của Einstein cho nền khoa học thế giới là không thể phủ nhận. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã nhận được vô số giải thưởng lớn nhỏ, những giải thưởng cao quý nhất của ông phải kể đến Giải Nobel Vật lý (1921), Huy chương Matteucci (1921), Huy chương Copley (1925), The Franklin Institute Awards (1935). Bên cạnh đó Einstein còn là người đầu tiên nhận được Huy chương Max Planck vào năm 1929.
Ngoài ra còn có rất nhiều giải thưởng mang tên Einstein, nhằm vinh quang nhà khoa học vĩ đại như Giải thưởng Albert Einstein, Huy chương Albert Einstein, Giải khoa học thế giới Albert Einstein, …
Xem thêm: Tìm hiểu tính cách đặc thù của người Đức
Vốn là một người có tài năng cũng như niềm đam mê đặc biệt với khoa học, cả cuộc đời của Einstein phần lớn đều dành cho nghiên cứu các hiện tượng khoa học mà lơ là những phút giây bên gia đình. Câu chuyện gia đình của ông nếu phải kể lại thì là một câu chuyện buồn. Einstein là khoa học tài giỏi, bên cạnh đó ông cũng rất đào hoa, được nhiều người phụ nữ mến mộ.
Người vợ đầu tiên của ông là Mileva Maric, người bạn thân cùng trường ETH Zürich, thời gian đó 2 người đều có niềm đam mê với khoa và còn cùng học khoa sư phạm vật lý và toán học. Có chung lý tưởng, tình bạn giữa Maric và Einstein nhanh chóng chuyển thành tình yêu.
Trước khi kết hôn vào năm 1903, Maric và Einstein đã có con gái đầu lòng tên là Lieserl, nhưng có thông tin Lieserl đã qua đời năm 1903. Những năm sau kết hôn, Maric và Einstein có thêm 2 người con trai. Ngày 14 tháng 2 năm 1919, cuộc hôn nhân của 2 người đi đến hồi kết sau quãng thời gian 5 năm sống ly thân vì sự sao nhãng của Einstein với gia đình.
Không bao lâu sau lần ly hôn thứ nhất, tháng 6 năm 1919 Einstein cưới người em họ Elsa Löwenthal của mình ở Đức, nhưng hai người không có con chung. Tháng 12 năm 1936, Elsa qua đời vì mắc một số căn bệnh liên quan đến tim và thận. Mặc dù từng có 2 người vợ và có 3 đứa con, nhưng chỉ có duy nhất con trai Hans Albert còn sống, kết hôn và sinh con.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của Einstein với các con cũng không mấy thân thiết vì phần lớn thời gian ông đều ở tách biệt với mọi người, một mình mày mò với những thuật toán và phương trình. Có thể nói rằng để đạt được thành công như ngày nay, Einstein đã phải trả giá bằng cả hạnh phúc gia đình của mình.
Không chỉ say mê với nghiên cứu khoa học, Einstein còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, điển hình nhất là trong phong trào phản đối Chủ nghĩa Phát Xít tại Đức, chống nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu tại trường Đại học Lincoln của Pennsylvania năm 1946, ông đã lên tiếng phê phán phân biệt chủng tộc là “căn bệnh của người da trắng”. Ông còn là thành viên của NAACP – Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu nhằm thúc đẩy công lý cho người Mỹ gốc Phi.
Ngoài ra, Einstein còn có những đóng góp cho quá trình vận động nhà nước Israel, ông cho rằng người Do Thái nếu muốn trở thành một dân tộc độc lập thì cần phải chung sống hòa bình và giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Vì lòng ngưỡng mộ to lớn với nhà bác học thiên tài này, tổng thống thứ nhất của Israel Chaim Weizmann còn khẳng định Einstein là “người Do Thái vĩ đại nhất còn sống” và tha thiết mong muốn Einstein trở thành vị tổng thống kế nhiệm của Israel. Nhưng sau đó Einstein đã viết một bức thư để từ chối lời đề nghị này.
Bên cạnh đó, Einstein còn tích cực động viên, khích lệ trẻ em tìm được niềm hứng thú cũng như mục tiêu của bản thân, khuyến khích bọn trẻ trong quá trình học tập. Điều này luôn được ông đề cập đến trong những bức thư trả lời của mình cho bọn trẻ.
Không phải ai cũng biết rằng ngoài tài năng xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Einstein còn có tài năng và đam mê âm nhạc. Từ lúc 5 tuổi, ông đã có thể chơi nhạc và càng bộc lộ niềm yêu thích âm nhạc khi bước sang tuổi 13. Ông thường tham gia chơi nhạc thính phòng với một vài nghệ sĩ và trình diễn cho vài nhóm người bạn.
Với Einstein, âm nhạc không chỉ là sở thích trong lúc rảnh rỗi mà còn giúp ông cả trong quá trình nghiên cứu khoa học. Người vợ Elsa của ông từng kể lại rằng: “ Ông mải mê nghiên cứu, quay trở ra giải trí bằng cách đánh vài đoạn hợp âm piano, rồi tiếp tục trở lại công việc„
Sinh ra tại Đức và mang quốc tịch Đức nhưng Albert Einstein đã từ bỏ quyền công dân của vương quốc Württemberg để tránh phải tham gia nghĩa vụ quân sự của Đức. Ngày 28 tháng 3 năm 1933, ông chính thức từ bỏ quyền công dân Đức sau khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền hành tại Đức và cũng do phải chứng kiến sự kỳ thị gay gắt người Do Thái của chính phủ Đức. Sau đó Einstein quyết định ở lại Mỹ định cư và trở thành công dân Mỹ. Ngoài ra, ông còn có quốc tịch Thụy Sỹ.
Bằng những đóng góp to lớn cho khoa học và cho nhân loại trên toàn thế giới, Albert Einstein đã được bình chọn là nhân vật thế kỷ, nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới trong vòng 100 năm qua. Nhắc đến ông, người ta không khỏi nhớ đến một chuẩn mực của một thiên tài.
Qua tìm hiểu về cuộc đời của Einstein, chúng ta có thể thấy rằng, dẫu sinh ra là thiên tài nhưng ông cũng từng phải trải qua vô vàn khó khăn, phải đánh đổi nhiều thứ và phải nỗ lực không ngừng nghỉ mới đạt được thành tựu và danh tiếng như ngày hôm nay. Bất cứ ai đều không thể phủ nhận những đóng góp vĩ đại cho nền khoa học thế giới của ông. Từ Albert Einstein, chúng ta còn học được một bài học ý nghĩa về sự nỗ lực, phấn đấu hết mình cho lý tưởng, cho đam mê.
Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links.
IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đức và trung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức IECS và Vuatiengduc chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp.