Quyết định bỏ lại tất cả để sang một đất nước mới, một đất nước xa lạ, cách Việt Nam 9.327km là bạn cũng phải xác định sẽ chấp nhận với những cái Tết xa nhà, những nỗi buồn khi phải một mình vào những dịp gia đình đoàn tụ sum vầy, chấp nhận đón giao thừa qua Facetime, Zalo, Video Call và chỉ dám khóc sau khi gọi về nhà. Tết xa nhà có lẽ không phải là một cái Tết dễ dàng.
Nhưng bạn ơi đừng vội buồn! Không có người thân gia đình bên cạnh không có nghĩa là cái Tết sẽ chỉ có nỗi buồn, nỗi nhớ nhà hay nỗi nhớ hương vị quê hương. Ở Đức cộng đồng người Việt hoạt động rất tích cực và năng động, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, Hamburg, München.
Mỗi mỗi dịp Tất niên, Tết Nguyên Đán hay Tết Trung thu, các cô chú trong cộng đồng người Việt hay các hội học sinh viên Việt Nam tại các thành phố sẽ có tổ chức các hoạt động chung dành cho người Việt chúng mình. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn không biết người Việt ăn Tết ở Đức như thế nào thì cùng IECS tìm hiểu nhé!
Cũng như các nước phương Tây khác, ở Đức không có Tết cổ truyền. Vào những ngày Tết ở Việt Nam, kiều bào Việt Nam vẫn đi làm, các du học sinh đi học bình thường. Nếu may chăng Tết rơi vào kì nghỉ giữa kì học thì bạn có thể về Việt Nam ăn Tết. Nhưng không phải ai cũng có may mắn đó hay đủ kinh tế để có thể mỗi năm về Việt Nam ăn Tết một lần. Cho nên khi sang Đức, không nhiều thì ít, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên về một lần ăn Tết xa nhà.
Đến những ngày cận Tết, mặc dù vẫn phải tất bật đi làm, sống một cuộc sống thường nhật, nhưng các cô chú người Việt vẫn nhớ đến ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Ai khéo tay, biết gói bánh chưng sẽ đi mua lá dong ở các siêu thị châu Á về gói bánh chưng. Có điều lá dong ở Đức, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ, vừa ít lại vừa đắt nên mình thường thấy các cô hay gói lá dong cùng với giấy bạc.
Bánh chưng vì thế cũng không được xanh đẹp mắt như ở Việt Nam. Ở các thành phố lớn thì sẽ “sướng” hơn nhiều vì các siêu thị Châu Á cũng bán bánh chưng gói rất đẹp mắt và có màu xanh dền. Dù chiếc bánh có trông như nào đi chăng nữa, thì đối với một người con xa xứ, có chiếc bánh chưng ngồi ăn chấm đường xem Táo quân trên Youtube quả thật là một niềm hạnh phúc rồi.
Xem thêm : Có nên chọn thành phố Hamburg là nơi du học Đức của bạn
Mình có cơ hội được trải nghiệm một Giao thừa tại nhà hàng một người quen tại Đức. Cô sở hữu một nhà hàng Châu Á tại một thành phố nhỏ. Vì Tết ở Việt Nam vẫn là ngày làm việc bình thường ở Đức cho nên cả ngày quán vẫn mở như bình thường, mọi người vẫn làm việc cho tới 10h tối mới đóng cửa, dọn dẹp. Tất cả những người làm việc ở đây đều là những người con xa xứ, xa người thân, nên họ đã tìm đến nhau để nương tựa, sum vầy trong những dịp đặc biệt này.
Một mâm cỗ tất niên đủ thịt gà luộc lá chanh, bánh chưng tuy không được xanh lắm nhưng vẫn rất ngon, miến nấu, nem chua, thịt bò xào rau, v.v. được cô chủ quán bày sẵn. Mọi người sau khi làm hết các công việc hàng ngày xong thì cùng sắp bát đũa, rót rượu vang, bia, nước ngọt rồi cùng nâng ly chúc nhau trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới, mặc dù Giao thừa ở Việt Nam cũng đã qua rồi.
Lúc này tất cả những người không cùng quan hệ máu mủ dường như cũng trở thành một gia đình. Mọi người cùng ăn uống, trò chuyện, kể về những cái Tết xưa ở Việt Nam, biết bao tiếng cười, nhưng trong lòng cũng không khỏi nghẹn ngào. Ăn uống xong, mọi người cùng nhau dọn dẹp và ai làm việc người nấy rồi đi ngủ. Ngày mai thức dậy tất cả sẽ cùng làm việc như thường nhật.
Xem thêm: Cộng đồng người Việt tại Đức
Kim Trang – sinh viên ngành BWL tại Nürnberg kể về lần ăn Tết xa nhà đầu tiên của mình: Mình có quen một bạn ở bên này. Đợt đó bạn đó rủ mình về ăn Tết ở nhà bác của bạn ấy vì mình không có gia đình bên này, nên mình đi ăn thử Tết Việt xem sao
Đợt đó theo mình nhớ là tầm 7-10 gia đình tụ tập ăn với nhau. Mỗi gia đình làm 2, 3 món Việt Nam rồi mang tới 1 cái hội trường mọi người cùng nhau thuê. Trong lúc mọi người ăn thì có chương trình karaoke, đố vui trò chuyện làm quen với nhau. Vì đại diện các gia đình thường có con cháu, xong con cháu lại dắt thêm bạn bè tới như bạn mình ý nên đông vui.
Mặc dù cũng có những buổi tụ tập ăn uống, múa hát với cộng đồng người Việt nhưng chắc hẳn đâu đó thi thoảng một chút buồn và sự tủi thân khi chỉ có một mình mình ở nơi đất khách sẽ ùa đến. Nếu được hỏi có buồn không khi ăn Tết ở Đức không có gia đình ở bên cạnh mà trả lời là không có lẽ là nói không thật lòng.
Bạn Kim Trang chia sẻ: “Cũng có buồn vì cũng lâu rồi mình chưa về Việt Nam. Nhưng mà mình qua cũng một thời gian rồi nên dần cũng quen. Chỉ là lúc mới tới có thấy hơi tủi thân nhưng xong nói chuyện, vui chơi với mọi người là quên ngay nỗi buồn ý mà”. Ai cũng sang Đức và mang theo mình một mong muốn, hoài bão riêng, người đi làm, định cư, người đi học, có bằng, ra trường, phấn đấu tìm việc làm. Những hoài bão và nguyện vọng ấy chắc chắn sẽ giúp mọi người quên nhanh đi nỗi buồn xa quê dịp Tết.
Giờ đây thì mọi thứ có hiện đại hơn, thuận tiện hơn, dù không gặp trực tiếp nhưng mọi người vẫn có thể nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại. Đó cũng là một cách đón Giao thừa online không còn xa lạ đối với các sinh viên Việt Nam du học tại Đức. Kim Trang chia sẻ: “Năm nào Giao thừa cũng gọi điện về nhà xem pháo bông cùng ba mẹ. Sau đó chúc Tết ba mẹ rồi nói chuyện một tí xong ba mẹ mình đi ngủ.”.
Đại dịch Covid cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc ăn Tết xa nhà của người Việt ở Đức nói riêng và các nơi trên thế giới nói chung. Lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội, không được tụ tập liên tục được điều chỉnh, khiến mọi hoạt động vui chơi chung của cộng đồng người Việt cũng bị tạm hoãn và cũng chưa biết đến bao giờ mới có thể thực sự bắt đầu trở lại.
Cái Tết sẽ vẫn ấm áp với những kiều bào có gia đình ở Đức, song với những người xa gia đình đi làm, hay những du học sinh không người thân bên Đức sẽ là một cái Tết buồn. Hội sinh viên cũng không được tụ tập để tổ chức Tất niên hoành tráng nữa mà chỉ được gặp những người trong căn hộ của mình. Có lẽ lúc này bánh chưng, chả giò – những hương vị quê hương sẽ là vị cứu tinh cho nỗi nhớ nhà ngày Tết ấy.
Dù thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn cứ phải diễn ra, mọi người vẫn đi làm, đi học, và nỗi buồn nhớ nhà ngày Tết đó cũng sẽ chỉ là những nỗi buồn thoáng qua. Những vất vả và áp lực khi ở Đức cũng lớn hơn và lấn át dần nỗi nhớ đó và trở thành nguồn động lực để cộng đồng người Việt ta phấn đấu về Việt Nam đón một cái Tết cổ truyền ấm áp cùng gia đình.
Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links.
IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đức và trung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức IECS và Vuatiengduc chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp.