Văn hóa Đức và 1 số điều lạ lùng ở phương tây
Khi bạn đã quen với cuộc sống nhộn nhịp, tấp nập và ồn ào ở Viêt Nam, thì khi bạn đến Đức bạn sẽ làm quen với một văn hóa Đức, với những con người khác, và một châu lục khác. Bạn sẽ sống với một nền văn hóa phương Tây hoàn toàn khác từ màu da, mái tóc. Thếnên việc bạn bị những cú sốc bởi sự khác nhau về văn hóa vào những thời gian đầu thì điều đó là dễ hiểu.
Và rồi khi những cứ sốc văn hóa đó, cũng như những điều riêng biệt rất Đức lại dần dần đi vào cuộc sống của bạn lúc nào không hay, và nó trở thành một thói quen, một điều thân thuộc và có lẽ các bạn sau khi sống một thời gian dài ở Đức sẽ nhận ra những cú sốc đầu tiên về văn hóa, những điều của cuốc sống thường nhật đó lại chính là sự riêng biệt mà chỉ có ở Đức.
Để rồi có những lúc khi mà các bạn không sống ở đó hoặc tạm xa nước Đức một thời gian dài thì các bạn sẽ nhớ những điều riêng biệt một cách da diết. Giống như bạn nhớ những thứ mà chỉ Việt Nam mới có vậy. Vậy những cú sốc văn hóa đầu đời mà bạn sẽ gặp phải đó là gì? và những điều đặc biệt rất riêng mà ở chỉ có ở Đức đó là gì? Cùng IECS khám phá xem như thếnào nhé.
1. Những cú sốc văn hóa đầu đời của du học sinh.
1.1 Không có đồ ăn đường phố như ở Việt Nam
Ở Việt Nam bạn thường quen với những tiếng leng keng hay tiếng rao vặt của những người bán rong như: hột gà nướng, bắp xào… hay ngay như những lúc bạn cảm thấy đói chỉ cần cầm ví nổ máy chạy một vòng ngoài đường là có cái bỏ đầy bụng như cóc, xoài trộn, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn khắp mọi nơi, và cả những món ăn no bụng cũng khắp mọi ngỏ ngách, mỗi lần đi làm hay đi học về cũng có thể ghé tạm ngay một quán nào đó ăn xong và về nhà.
Ở Đức thì sao nhỉ? Chuyện này thì khó có thể xảy ra. Trên mọi ngỏ ngách đường phố thì không một tiếng rao của những người bán hàng rong, không một món ăn đường phố xuất hiện nhan nhản. Mà đổi lại đó là đường phố chỉ có người qua lại và xe cộ mà thôi.
Còn bạn muốn ăn vặt ư, bánh mì xúc xích với cái xe đẩy nằm ở trung tâm thành phố nơi công cộng nhưng không nhiều lắm, chỉ một 2 cái ở đó thôi, ngoài ra có thêm pizza, quầy thức ăn nhanh như McDonald, KFC, Hamburger… toàn những món nhiều dầu mỡ và khô khan, còn hơn nữa thì những tiệm bánh mì và cà phê, với những loại bánh mì đặc biệt của Đức, và thế là hết món ăn đường phốở Đức .
Vậy khi bạn muốn ăn thì sao? Chỉ có tự vào bếp, tự nấu cho mình những món mình thích, nhưng cũng chỉ có ít đồ châu á để bạn trổ tài, vậy nên hãy học cách chấp nhận cũng như hãy làm quen với bếp núc lúc ở Việt Nam nếu bạn không biết nấu ăn.
1.2 Nhét tiền vào xe đẩy để lấy xe
Nếu ở Việt Nam việc bạn đến siêu thị và lấy xe đẩy rồi đi vào mua sắm thì rất dễ dàng và việc trả lại thì không mấy trật tự cho lắm. Nhưng ở Đức nếu bạn muốn lấy một chiếc xe đẩy thì bạn phải mở khóa nó bằng cách nhét đồng xu 50 cent hoặc 1 euro vào khe dưới của xe đẩy và sau đó bạn mới tách được xe ra khỏi dãy xe .
Sau khi mua sắm và nhét đồ vào túi của mình xong thì hãy trả nó về lại vị trí ban đầu và lấy lại đồng xu đã nhét, điều này sẽ giúp bạn có ý thức cho việc cất đồcông cộng đúng vị trí.
1.3 Bóng đèn trong nhà luôn luôn là ánh sáng vàng
Điều này khá là khó chịu với mình khi những ngày đầu qua Đức, bởi vì khi bạn đã quen với ánh sáng trắng ở Việt Nam, thì việc bạn qua Đức sống bạn sẽ thấy bất cứ nhà nào cũng sử dụng bóng đèn tròn và ánh sáng vàng của nó nhìn khá tối hơn so với đèn trắng ở Việt Nam, cũng như sẽ dễ khiến bạn buồn ngủ mỗi khi học bài.
Nhưng bạn phải làm quen với điều này vì bất cứ nhà nào ở Đức cũng hầu như sử dụng bóng loại này và nhiều khi bạn rất khó tìm bóng đèn sáng trắng tại siêu thị, vậy nên hãy làm quen với nó nhé và sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy ổn thôi mà.
1.4 Nhận thư từ và viết thư gửi qua bưu điện
Không chỉ là thư từ mà ngay cả giấy tờ khác bạn đều phải gửi qua bưu điện, chính vì vậy mà việc ngày đầu đến bạn phải có tên trong hòm thư là rất quan trọng. Cũng như các vấn đề liên quan đến đăng kí giấy tờ ngân hàng và những thứ khác đều làm việc qua bưu điện .
Ngoài ra khi bạn quen biết một người Đức hay nước ngoài thì thường vào ngày lễ hay có một việc gì đó họ thường gửi thư cho bạn. Hay như bạn mua hàng online và khi nhận hàng bạn không ở nhà thì họ sẽ gửi thông báo vào hòm thư là hàng của bạn ở đâu và bạn đến đó lấy. Vậy nên bạn hãy check hòm thư hàng ngày nhé.
1.5 Không xem Tivi nhưng vẫn phải trả tiền Rundfunkbeitrag
Điều này thật khó hiểu khi mà bạn không có TV, không sử dụng Radio mà bạn vẫn phải trả một khoản phí của nó. Điều này là bắt buộc ở Đức, và bạn không thể tránh khỏi việc này, bất cứ bạn du học sinh nào cũng gặp phải trường hợp này, cũng đều hỏi “tại sao” và câu trả lời là không hồi đáp.
Ở Đức khi bạn thuê chung một căn hộ với bạn mình thì bạn sẽ nhận được một cái thư về phí TV và Radio khoảng 17,80 euro cho mỗi tháng/1 căn hộ. Và hầu như là một người sẽ đóng cho toàn bộ căn hộ và sau đó bạn sẽ phải cùng chia số tiền này ra với những người bạn sống chung căn hộ với bạn. Điều này hầu như không có ở Việt Nam, ai xài truyền hình cáp thì mới phải trả phí.
Ngoài ra việc tải lậu phim không trả tiền ở Đức sẽ bị phạt phí rất cao, nên đừng dại mà tải một cái gì mà bạn chưa biết rõ nhé.
1.6 Pass wifi dài như một dòng sông
Mỗi lần bạn đến nhà bạn bè hay người thân chơi mà chưa có pass wifi và bạn muốn họ đọc pass lên cho bạn, thì bạn đừng mong chủ nhà sẽ nhớ pass wifi của họ, đơn giản là mã sốpass wifi khá dài, và nó nằm sau cục wifi.
Ở Đức thì hầu như pass wifi nhà nào thì sẽ là dãy sốdài nằm ngay phía sau cục wifi, nên để nhớ hết mã sốwifi nhà mình có là một kì tích. Vậy nên hầu như bạn nhập xong mã wifi thì nên chụp lại, có ai hỏi thì chỉ cần gửi ảnh đó qua cho họ là xong. Đừng quá lạ lẩm vì cái pass wifi ở Đức khác Việt Nam nhá.
1.7 Xem phim lồng tiếng Đức và không có phụ đề dịch
Ở Việt Nam có lẽ đi xem phim thường xuyên là sở thích của nhiều bạn trẻ. Nhưng nhiều bạn sau khi sang Đức thì việc xem phim ít dần, việc chiếu phim ở Đức thì các rạp hầu như lồng tiếng Đức và không có phụ đề như Việt Nam có lẽ vì họ nghĩ nếu có phụ đề sẽ làm bạn bị phân tâm. Và giọng lồng tiếng thì lại làm bạn cảm thấy không truyền tải hết được cảm xúc của nhân vật. Vậy nên với mình thì xem phim ở Đức thì không mấy thú vị cho lắm.
2. Những điều riêng biệt rất Đức
2.1 Đất nước của những hãng xe hơi đắt tiền
Ở Việt Nam có lẽ khi bạn ra ngoài đường và nhìn thấy những chiếc xe như BMW, Mercedes, VW, AUDI… bạn sẽ rất tò mò bời dòng xe cao cấp và đắt tiền và cũng không có quá nhiều ở Việt Nam. Nhưng khi bạn đặt chân đến Đức thì những chiếc xe này trở nên khá bình thường và cũng không có gì ghê gớm cả, vì đây là đất nước sản xuất xe hơi hàng đầu thếgiới.
2.2 Xe xúc xích và bánh mì ở nước Đức
Có lẽ nhiều bạn bình thường sẽ nghỉ ngay đến những xe hạt dẻ rang thơm phức ở trên đường trung tâm thành phốhay nơi nào đó đông người, thay vào đó thì bạn nên đổi những xe hạt dẻ thành những xe xúc xích bánh mì, bởi vì Đức nổi tiếng với món xúc xích truyền thống, và đi đâu trên phố bạn cũng sẽ gặp một chiếc xe nhỏ có một người đang nướng những chiếc bratwurst, weisswurst thơm phức và nó sẽ ăn kèm với bánh mì cũng như là sốt tương cà, sốt mù tạt,
Đặc biệt vào mùa đông ngoài trời tuyết rơi đầy, trên tay bạn là một chiếc bratwurst còn nóng hổi giòn tan và thơm phức thì còn gì tuyệt vời hơn nữa.
2.3 Uống bia khắp mọi nơi ở nước Đức
Bạn cũng biết rằng bia là đặc trưng khi nhắc đến nước Đức rồi, những lễ hội bia được diễn ra khắp mọi nơi vào thời điểm tháng 9, tháng 10 và bạn sẽ được uống đủ loại bia thỏa thích. Và người Đức thì họ uống bia bất cứ đâu, ở nhà ngoài phố, trên tàu xe, nơi công cộng họ đều có thể cầm một chai bia và nhâm nhi với nó, thỉnh thoảng chúng mình cũng hay thường như thế.
Thường vào buổi tối đi bộ từ trung tâm về nhà và nhâm nhi nhẹ nhàng với 1 chai bia có cồn hoặc không thì khá là thú vị đấy.
Nhưng họ rất tuân thủ luật giao thông, đã uống bia cho dù ít nhiều họ cũng đều không lái xe và sẽ đi bằng những phương tiện giao thông công cộng khác để về nhà. Bạn nên thử khi đến Đức xem như thế nào nhé.
2.4 Kiểm tra vé tàu ở nước Đức
Điều này bạn sẽ thường xuyên bắt gặp, không giống như đi xe buýt ở Việt Nam sẽ có lơ xe bán vé cho bạn, để đi được phương tiện giao thông công cộng ở Đức, bạn sẽ phải mua vé tại các máy bán vé tự động, hoặc ngay trên tàu xe.
Ở đó có sẵn những chiếc máy bán vé tự động, nhưng bạn phải nhớ chuẩn bị tiền xu và tiền lẻ nha, vì nó sẽ không nhận tiền lớn như tờ 50 euro hoặc 100 euro đâu. Sau khi mua xong các bạn hãy nhớ bấm vé vào một cái máy gắn sẵn trên xe và tàu vì khi bấm vào nó sẽ in tự mã số và giờ bạn đi tàu.
Điều này hầu như chỉ có ở Đức vì ở các nước khác thì hầu như đều có máy kiểm soát vé đi và vào , nên việc kiểm soát sẽ nghiêm ngặt hơn ở Đức.
Và điều rất Đức sẽ xảy ra đó chính là những đội soát vé tàu xuất hiện. Họ thường sẽ mặc đồ bình thường và đeo chiếc thẻ nhân viên soát vé, nhưng bạn khó mà biết được, thường sẽ có 2 người lên một toa, sau khi tất cả đã lên tàu và xe bắt đầu lăn bánh thì công cuộc soát vé bắt đầu diễn ra.
Lúc đó những ai không mua vé thì khó lòng mà thoát được bởi lúc đó ai cũng phải lục túi và trình vé đã mua ra cho nhân viên kiểm tra, những ai trốn vé, cũng như mua vé mà không bấm vào máy cũng sẽ bị phạt, cứ mỗi lần như vậy bạn sẽ bị phạt tầm 60 euro cái giá khá chua chát nếu như bạn mua vé cho 1 tiếng thì chỉ có 2,5-3 euro tùy thành phố.
Cái giá bị phạt nặng gấp nhiều lần vì vậy nên bạn hãy nghiêm chỉnh chấp hành nhé, ngoài ra điều này cũng ảnh hưởng đên nhiều vấn đề sau này nếu bạn thường xuyên trốn vé đó đấy.
Nhưng nếu bạn là sinh viên của một trường đại học nào đó thì bạn sẽ được miễn phí vé tàu đi lại trong thành phố nơi mà bạn học tập và sinh sống. Vậy nên mỗi lần soát vé bạn chỉ cần đưa chiếc thẻ sinh viên của trường ra, thì bạn sẽ được miễn phí vé hoàn toàn đấy nhé.
2.5 Đổi Pfand ở nước Đức
Ở Việt Nam bình thường sẽ làm gì với những chai nhựa mà bạn uống xong? Có lẽ bạn sẽ quẳng nó đi vào thùng rác, nhưng sau khi đến Đức bạn sẽ phải thay đổi thói quen đó ngay và điều bạn sẽ làm với những chiếc chai mình đã uống là đi đến siêu thị để đổi lại tiền mặt hoặc mua cái gì đó.
Bởi vì ở Đức khi bạn mua những chai hoặc lon nước thì giá của mỗi chai bạn sẽ phải cộng thêm 0,25 cent cho vỏ chai, cái đó được gọi là “Pfandgeld”, bạn sẽ phải trả thêm số tiền cho vỏ chai đó. Sau khi bạn uống hết nước trong chai bạn sẽ đem cái vỏ chai rỗng đến siêu thị và bỏ vào cái máy thu hồi vỏ chai gọi là “Plandflaschenautomat” thì máy sẽ nhả ra một cái phiếu ghi số tiền tương ứng với số lượng chai mà bạn đã đổi, sau đó bạn có thể sử dụng phiếu đó để mua các mặt hàng khác hoặc đổi lại tiền tại quầy thu ngân hoặc máy trả tiền tự động.
Điều này khá là thú vị đấy, mỗi khi bọn mình rủ nhau đi siêu thị thì ai nấy đều cầm theo một giỏ đầy chai không để đổi, điều này giúp bảo vệ môi trường rất tốt, cũng như nâng cao ý thức của người dân tại Đức.
2.6 Chủ nhật vắng vẻ ở nước Đức
Nếu ở các nước châu Á hay ở Việt Nam thì cuối tuần phố xá tấp nập người người đi chơi, dạo phố, mua sắm bù cho những ngày làm việc bận rộn, thì bạn nghĩ sao khi điều này hoàn toàn ngược lại ở Đức.
Chủ nhật tất cả hàng quán đóng cửa, ngay cả trung tâm thương mại lớn cũng đóng cửa, siêu thị đóng cửa, không khí nhộn nhịp không thấy, quán cà phê ngày thường để gặp gỡ bạn bè cũng đóng cửa.
Bởi vì quan niệm của người Đức chủ nhật là ngày nghỉ ngơi dành cho gia đình chứ không phải là để làm việc, vậy nên bạn hãy mua đồ ăn sẵn cho cả ngày chủ nhật nữa nhé, vì chủ nhật bạn sẽ không kiếm được đâu ra cái siêu thị nào mở cửa cả.
Trong tuần thì các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đóng cửa cũng khá là sớm tầm sau 8h tối, bạn sẽ không mua được gì sau 8h tối đâu. Nhưng ngoại lệ thì chỉ có một số cửa hàng trong nhà ga thì còn mở, bạn có thể ghé tạm qua để mua những lúc không có thời gian. Những điều này thật khác với Việt Nam đúng không nào.
Ngoài ra bạn không được làm ồn sau 10h đêm nhé, vì trong tuần bạn có rủ ai bạn bè đến chơi thì hãy nhớ giữ yên tĩnh sau 10h, nếu sau 10h bạn làm phiền hay ồn ào hàng xóm của bạn, bạn có thể gặp phiền phức với cảnh sát đấy.
2.7 Đổ rác ở nước Đức
Khi bạn sống ở Đức đi đâu bạn cũng sẽ thấy các thùng rác ở Đức có rất nhiều màu và rất nhiều thùng. Bởi vì ở Đức, người ta phân loại rác rất rõ ràng với các màu khác nhau sẽ giúp bạn biết cách phân loại rác.
Thùng màu nâu: Các loại rác hữu cơ có thể phân hủy, như thức ăn thừa, rau hoa quả, vỏ trứng, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, lá cây rụng, cỏ…
Thùng màu đen: Rác thải thường không chứa chất độc hại, nhưng khó phân hủy, được đựng trong thùng màu đen như tàn thuốc lá, tro, đầu mẩu thuốc lá, mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da.
Thùng màu vàng: Đựng các loại chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước.
Thùng màu xanh da trời: Dành cho rác giấy. Có thể vứt các loại báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng.
Thùng màu xanh lá cây với nhiều ngăn: Dùng vứt chai, lọ. Chai lọ thủy tinh bỏ vào một ngăn, còn các chai, lọ nhựa khác bỏ vào ngăn khác và không vứt các loại vỏ chai vì có thể tái sử dụng.
Còn đối với pin hết hoặc hỏng, các loại rác điện tử khác sẽ được vứt ở thùng vứt riêng thường được để ở các siêu thị.
Với việc phân chia rác như thế này giúp bạn có trách nhiệm với môi trường và bảo vệ môi trường đúng cách. Nếu bạn không tuân thủ đúng việc phân chia rác, thì người thu gom rác sẽ không thu gom rác nhà bạn và lúc đó bạn sẽ gặp phiền phức nhiều đấy nhé.
2.8 Tắm khỏa thân ở nước Đức
Thói quen khỏa thân của người Đức xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 19, được xem là một phần quan trọng trong việc thư giãn, tắm nắng, chống chọi với stress và chữa một số bệnh.
Người dân coi việc khỏa thân ở phòng tắm hơi, bể bơi, công viên hay bãi biển là điều bình thường. Vậy nên không có gì lạ lẫm hoặc sốc khi vào mùa hè tại một số hồ công công bạn sẽ thấy nhiều người khỏa thân và tắm mình trong nước hoặc phơi nắng nhé.
2.8 Đặt lịch hẹn ở nước Đức
Ở Việt Nam bạn cần làm gì đó, hay đau ốm vặt gì đó không khẩn cấp, bạn có thể trực tiếp đến nơi mà mình đến mà không cần phải hẹn trước gì cả.
Nhưng ở Đức chuyện đó không xảy ra đâu nhé,vì bất cứ việc gì từ đăng kí gia hạn, đau ôm vặt hay đi xin giấy này nọ, thì bạn phải đặt một cái lịch hẹn trước. Nhiều khi việc lịch hẹn dày đặc khiến lịch hẹn của bạn cả tháng sau mới có.
Vậy nên đối với nhiều bạn gia hạn visa cũng phải đăng kí lịch hẹn trước 1 tháng trước khi visa hết hạn, hay như bạn bị bệnh vặt hoặc khám sức khỏe tổng quát thì bạn cũng cần đặt lịch hẹn với bác sĩ trước khi tới khám, và bạn cần phải làm quen với việc này mà sắp xếp công việc của mình cho hợp lý nhé.
2.9 Miễn học phí
Hầu như ngày xưa mọi người chỉ biết đến du học Mỹ, Úc, Canada. Song thời gian mấy năm trở lại đây thì mọi người biết đến Đức không những về vấn đề chất lượng học tập mà còn biết đến đây là đất nước được miễn hoàn toàn học phí.
Bởi vì chính phủ Đức vô cùng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư vào hệ thống giáo dục cho nên có chính sách miễn học phí cho tất cả hệ thống giáo dục của Đức và ngay cả với sinh viên nước ngoài cũng được quyền lợi này như những công dân của họ.
Các sinh viên học sinh chỉ cần đóng 1 khoản phí tầm 200-300 euro mỗi học kỳ cho các vấn đề về: vé tàu xe, quản lý ở trường, còn học phí thì được miễn. Điều này quá tốt phải không nào, bạn chỉ cần lo lắng chi phí sinh hoạt cho những năm sống ở Đức thôi.
3. Kết Luận
Ở mỗi đất nước nào cũng có những nét văn hóa riêng biệt và khác so với quê hương của mình, đặc biệt nước Đức lại là đất nước phương Tây có nền văn hóa khác hẳn văn hóa phương Đông của các nước châu á, nên nhiều khi với thời gian đầu bạn sống ở Đức bạn sẽ cảm thấy bị sốc và hơi bỡ ngỡ. Nhưng nhập gia tùy tục, về lâu về dần các bạn sẽ phải hòa nhập được với những điều này và cảm thấy nó thú vị hơn. Hi vọng những điều trên sẽ giúp các bạn có sự chuẩn bị cho những điều lạ lẫm này.
Bài viết này thuộc bản quyền của Tổ Chức Tư Vấn Giáo Dục Quốc Tế IECS. Sao chép dưới mọi hình thức xin vui lòng dẫn nguồn và links.
THAM KHẢO THÊM:
- 7 Tính cách đặc trưng người Đức mà du học sinh cần phải biết
- 10 thủ tục cần thiết phải làm ngay khi đặt chân tới Đức.
- Hướng dẫn chi tiết thủ tục gia hạn visa Đức
- Hệ thống giáo dục Đức
IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đức và trung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức IECS và Vuatiengduc chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp
- Bí Quyết Học Tiếng Đức Hiệu Quả Cho Giới Trẻ - 04/01/2025
- LỊCH KHAI GIẢNG KHOÁ TIẾNG ĐỨC 2024-2025 - 01/01/2025
- Du học điều dưỡng Đức 2025: Hướng dẫn chi tiết từ A-Z điều kiện, lộ trình - 01/01/2025