5 năm sống và làm việc ở Đức – Những thăng trầm khó quên
Phần 1: Vì sao tôi lại tới Đức
Hôm nay (24/7/2020) là ngày kỉ niệm 5 năm sống và làm việc ở Đức của tôi – nước Đức với bao kỳ vọng và mơ ước. Như vậy tôi đã đạt được điều kiện cần và quan trọng nhất để xin lên định cư vô thời hạn sau 5 năm đi làm và đóng tiền hưu trí, còn thiếu điều kiện đủ là B1 tiếng Đức.
Tôi đã không dám mơ đến ngày đó khi nỗ lực để đạt được học bổng qua Đức du học diện nghiên cứu sinh bị thất bại. Khi ấy tôi 27 tuổi, không còn trẻ gì nữa để tiếp tục chờ đợi cơ hội khi làm việc ở một trường Đại học ở Hà Nội, không phải là diện đào tạo nguồn của trường.
Tầm tuổi đó, bạn bè học Đại học cùng tôi ngành IT đã ra trường, đi làm nhiều năm, không nhiều nhưng có những người nổi bật, tích luỹ kinh nghiệm, có thu nhập khá tốt và rồi họ lập gia đình. Còn tôi thì chỉ có thể kỳ vọng một cơ hội ra nước ngoài học tập để có thể thay đổi cuộc đời, nhưng điều đó đã không đến, tôi đã cảm thấy tuyệt vọng khi biết tin hồ sơ xin học bổng không thành công.
Sau đó vài tháng, một cơ hội khác đến với tôi, một ông người Ý giới thiệu cho tôi một ông người Ý khác đang làm việc ở Bremen và cần nghiên cứu sinh qua làm dự án cùng. Tôi không có hy vọng gì nhiều lắm nhưng mà không biết vì lý do gì, ông ấy đã nhận tôi.
Ngày nhận được tập hồ sơ của DHL gửi về, tôi thấy tự hào vô cùng, từ mức thu nhập ít ỏi ở cơ quan nhà nước, sang một mức lương cao vút (dĩ nhiên trước thuế – nhưng sau tôi cũng không nghĩ là cao lắm khi sống và làm việc ở Đức), tôi thấy tự hào vô cùng. Sắp được đi du học, cuộc đời tôi sẽ thay đổi, mọi người sẽ phải nhìn tôi với ánh mắt khác, tôi tự hào và nghĩ là như vậy bố mẹ tôi cũng có dịp được nở mày nở mặt.
Nhận được hợp đồng lao động rồi, tôi nhanh chóng đăng ký lịch xin VISA, nhưng không có bất kỳ một vị trí trống nào cả trong vài tháng sau đó, trong khi hợp đồng lao động của tôi bắt đầu vào tháng 7. Mỗi ngày tôi vào trang Web Đại sứ quán Đức ở Hà Nội để trông chờ và rồi tôi may mắn có được 1 buổi đến nộp hồ sơ khi đăng ký được lịch qua website. Đúng ra, vị trí mà tôi đăng ký là dành cho người đi du học, còn tôi thực chất là đi làm cho trường Đại học ở Bremen, nhưng dù sao thì tôi đã không bị bắt bẻ gì, dù trước đó tôi đã nhiều lần gửi email tới Đại sứ quán Đức và bị họ nói sẽ không trả lời email nữa vì hỏi nhiều quá.
Một tuần sau đó, tôi nhận được cuộc gọi để lên nhận VISA, tôi chưa từng ra nước ngoài, hộ chiếu trắng, giờ được dán tờ giấy xanh xanh mà tôi cũng không biết là ghi gì vì là tiếng Đức. Tuy vậy, tôi đã phải xin lùi hợp đồng lại 1 tháng vì công việc ở VN không cho đi, do dự án phải báo cáo và cũng bị chậm lại. Do vậy, tới gần cuối tháng 7 tôi mới qua Đức, thay vì lẽ ra phải qua từ tháng 6 để bắt đầu làm việc từ tháng 7.
Phần 2: Ấn tượng đầu đời với nước Đức
Cái gì lần đầu làm cũng luôn khiến người ta nhớ đến, mối tình đầu tiên, nụ hôn đầu tiên,…và lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, là lần đầu tiên tôi lên máy bay, rời thủ đô Hà Nội yêu dấu để tới Đức dù chẳng biết 1 chữ tiếng Đức bẻ đôi.
Khi máy bay hạ cánh ở sân bay Frankfurt, nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, tôi thấy một khung cảnh hoàn toàn khác, tôi tự tin rằng mình sẽ không gặp trở ngại gì. Dĩ nhiên, thực tế không đơn giản vậy, khi di chuyển từ Terminal 2 qua Terminal 1 để lên chuyến bay từ Frankfurt tới Bremen sau đó, tôi không làm đúng tư thế khi qua máy kiểm tra an ninh và bị họ giữ lại rà quét từ đầu đến chân. Tôi cố gắng nói, đây là lần đầu tôi tới Đức nhưng họ bỏ ngoài tai và làm công việc của mình. Đó là lần đầu tôi hiểu tính cách của người Đức, họ không tin vào bất cứ thứ gì, nếu không qua kiểm tra hay có bằng chứng xác thực.
Sau đó, tôi lên máy bay tới Bremen và ông người Ý cùng 1 PhD student của ông ấy ra đón và đưa tôi về 1 Hostel ở gần Bremen Hauptbahnhof mà tôi đã đặt khi ở VN.
WOW!!! Mọi thứ bên ngoài thật tuyệt vời, đường phố trông khác hẳn ở Hà Nội, lại còn có những ngôi nhà, quảng trường, nhà thờ cổ kính, mọi thứ choáng ngợp với tôi. Dù do chênh lệch múi giờ, tôi cảm thấy mệt mỏi nhưng họ vẫn dành thời gian đưa tôi đi chơi rồi ăn tối trong trung tâm, rất lịch sự khi đã đón tiếp tôi tử tế.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy buổi tối sao dài đến vậy, ở VN, 7h tối đã tối rồi mà ở Đức 10h tối trời vẫn sáng, ở trong Hostel, tôi không nói chuyện với ai, chỉ âm thầm khám phá những điều mới mẻ ở nước Đức.
Tuần đầu tiên này là tuần mà tôi cảm thấy hứng thú nhất vì tôi được tự do làm những gì mình thích, không còn ở nhà sống với bố mẹ, giờ tôi có thể đi đâu cũng được, không ai nói gì, tôi đi bộ xung quanh trung tâm của Bremen, tôi chưa từng nghĩ mình có thể đi bộ được nhiều và xa đến thế.
Rồi thì tự đi siêu thị nấu ăn những đồ mình muốn, thay vì mẹ ở nhà đi chợ. Ngày qua ngày, tôi cảm nhận được phần nào đó của nước Đức hối hả, hiện đại và công nghiệp. Đó là khoảng thời gian mà tôi thấy bình yên nhất khi đặt chân tới nước Đức.
Phần 3: Những gáo nước lạnh của cuộc sống
Không biết tiếng Đức nên tôi gặp khó khăn khi đi đăng ký địa chỉ nhà và đặc biệt là đi đăng ký dịch vụ bảo hiểm AOK, khi tôi cố giải thích tôi cần cho người đi làm với bà quản lý có thể nói tiếng Anh, tôi không phải là sinh viên, thì bà đó nói tôi im lặng và liên lạc với bộ phận quản lý sinh viên của trường Đại học để kiểm tra tôi có phải sinh viên không. Sau cùng, nhờ có một cô nhân sự ở trường nói rõ tình hình thì AOK mới hiểu vấn đề. Tôi thấy người Đức thật sự cứng nhắc và đến giờ tôi luôn nghĩ vậy, nên không còn bị sốc như lần đầu đó nữa.
Tôi bắt đầu công việc từ đầu tháng 8, ông người Ý đón tôi qua không phải là quản lý trực tiếp mà là ông giáo sư người Đức. Lúc đầu ông ấy cũng tỏ ra thân thiện, nhưng rồi mọi thứ chuyển theo chiều hướng xấu. Dù học ngành IT nhưng tôi không có kinh nghiệm lập trình với ngôn ngữ Java, tôi không biết làm gì hết với những việc mà ông ấy giao cho. Thêm vào đó, ông ấy chê tiếng Anh của tôi, nói không thể hiểu. Quả thật, trong một nhóm những người làm việc cho ông ấy thì tôi là người kém cỏi nhất. Trong những buổi họp nhóm, những người kia hồ hởi trao đổi, thảo luận những vấn đề, còn tôi thì im lặng, tôi không thể nói gì vì tôi không hiểu gì, cũng như việc bị chê nói tiếng Anh dở ngay trong cuộc họp, điều đó làm tôi thấy vô cùng thất vọng.
Nhịp độ sống và làm việc ở Đức
Và rồi điều mà tôi không bao giờ nghĩ đến đã đến, ông giáo sư nói rằng, tôi không nên tiếp tục việc làm nghiên cứu sinh nữa ngay trong tháng sau đó. Mới chỉ bắt đầu làm việc được 1 tháng mà nhận được tin như vậy, tôi đã nghĩ rằng, mọi việc với mình đã chấm dứt. Hy vọng mình sẽ có cuộc sống và làm việc ở Đức khác với Việt Nam, để có cơ hội đổi đời, đã không còn nữa. Nếu công việc bị chấm dứt thì mình sẽ phải về VN, là nỗi thất bại không chỉ cho bản thân mà gia đình. Rồi về VN thì làm gì để sống, khi đã từ bỏ vị trí làm việc ở cơ quan nhà nước đó. Nếu trẻ hơn, 20, 21 tuổi, tôi không sợ, nhưng khi đã 27 tuổi rồi, tôi hiểu cơ hội không đến với mình thêm lần nữa.
May thay là, ông giáo sư không cho tôi về nước mà giữ lại công việc tôi làm ở trường, cũng vẫn làm vị trí cũ nhưng không nghiên cứu gì hết, chỉ làm những gì liên quan đến lập trình phần mềm. Tuy vậy, trong 3 tháng đầu, tôi cũng không nhận được sự giúp đỡ của cả ông giáo sư hay những người đồng nghiệp, mọi thứ phải mò mẫm và nhiều lần nhận những email than phiền hay trách mắng của ông giáo sư sao làm chậm, tốn kém tiền của. Dĩ nhiên, tôi cũng đã cố gắng chủ động hỏi đồng nghiệp nhưng không mấy ai giúp đỡ, có người có giúp nhưng chỉ khi họ rất rảnh. Đó thật sự là những ngày tháng, mà tôi không thể quên, khi giấc mơ tan tành và bản thân thấy kém cỏi và bị coi thường.
Phần 4: Cuộc sống và làm việc ở Đức mỗi ngày như thế nào
Sau 3 tháng đầu chật vật với công việc thì tôi dần dần theo được với những công việc, phát triển những chắc năng, tìm những lỗi đơn giản của phần mềm. Nói thật là tôi thấy sinh viên học ở trường còn giỏi hơn tôi nhiều, nhưng tính cách của ông giáo sư thì không mấy người thấy dễ chịu nên dần dần những người làm cùng cũng chuyển đi gần nửa.
Do cũng biết việc một chút nên tôi ít dần nhận được những email than phiền. Sau này, khi tôi hiểu tính cách của ông giáo sư thì tôi đôi khi tôi cũng tỏ thái độ, không mềm nữa nếu thấy ông ấy nói gì không đúng. Dù sao thì khi bạn sống và làm việc ở Đức thì bạn cũng nên học theo người Đức, thấy gì chướng tai, gai mắt phải phản ứng liền.
Và rồi công việc của tôi ở trường Đại học cứ thế trôi qua đến nay được 5 năm. Tôi không nghĩ rằng thời gian tôi làm việc ở đây đã giúp tôi thay đổi nhiều trong kinh nghiệm IT của mình, đó không phải là công việc chỉ cần chăm chỉ, quen tay là làm được nhưng vì chỉ làm một vài công nghệ đã cũ nên tôi tự cảm thấy việc nếu phải chuyển đổi qua vị trí làm việc khác sẽ khó khăn. Do vậy, tôi đã lựa chọn là, dù không thích nhưng cũng phải cố gắng chờ đến khi có giấy tờ ổn định, lúc đó có thể đi tìm một vị trí công việc khác, ở thành phố khác. Tôi luôn nghĩ đến Berlin hay đến Munich để có được thu nhập cao hơn và hơn hết là có thể gặp gỡ được nhiều người, tìm người yêu.
Ở VN tôi cũng không có bạn, ban ngày đi làm, tối về nhà, không đi chơi tối bao giờ và qua Đức này thì cũng tương tự nhưng tệ hơn là vì tôi có thể làm việc ở nhà, nên phần lớn là tôi không ra ngoài. Mỗi ngày trôi qua là sáng dậy ngồi làm việc đến chiều, tối xem Youtube, trước đây là xem clip tiếng Anh, giờ thì tôi tự học tiếng Đức và phần nhiều thời gian là vào FB. Đó là một cuộc sống và làm việc ở Đức vô cùng tẻ nhạt dành cho người bị trầm cảm, muốn cách ly xã hội vì ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài vì kỹ năng ngoại ngữ không tốt.
Những ngày tháng đầu tiên bị vùi dập đó đã làm tôi nghĩ rằng, mình luôn phải để phòng, vì nếu chưa có giấy tờ vô thời hạn, nếu phải về nước mà không có tiền thì rất kém cỏi. Do vậy, tôi đã hạn chế chi tiêu tối thiểu, chỉ mua những thứ đồ ăn rẻ tiền và sau nhiều lần thì thấy là có thể sống được với 60 Euro / tháng cho tiền ăn và 265 Euro cho tiền nhà. Mỗi tuần đi siêu thị, tôi chỉ mua:
2 kg gạo (2 Euro)
2 kg cánh gà (8 euro)
1 hộp trứng (1.25 euro)
1 kg cà chua (2 euro) hoặc 1 kg cà rốt (1 euro)
500 g mỳ Ý (40 cent)
1 gói kẹo bạc hà (75 cent)
Hàng tháng đóng góp 1 euro vật dụng chung cho WG với 2 người khác.
Cũng như những gì lần đầu, khi tôi có 100 triệu thì tôi có thấy vui 1 chút nhưng 200 triệu hay 500 triệu thì vẫn vậy mà thôi. Khi lên đến 1 tỷ thì lại có niềm vui nhưng 1 tỷ 200 triệu thì cũng vẫn vậy.
Nói như vậy, không phải để khoe số tiền tôi có, ý tôi muốn nói là, số tiền tiết kiệm đó không là gì cả. Vẫn không đủ để mua được một ngôi nhà khi sống và làm việc ở Đức và để đánh đổi nó là 5 năm nhịn ăn, nhịn mặc. Tôi không khuyên các bạn trẻ tuổi làm như tôi, tương lai của các bạn còn dài, học tập ở Đức, thông thạo tiếng Đức thì sao phải sống khổ sở như vậy. Vì tôi không giỏi thứ gì nên tôi mới tính đến việc tiết kiệm như vậy, nhưng khi có số tiền như trên thì tôi cũng không thấy là nó giúp ích được gì cho mình cả. Tôi không vào trang web của ngân hàng nhìn số tiền mỗi ngày mà thấy hạnh phúc.
Nhưng quả thực, nếu một ngày mà tôi không còn việc làm thì những đồng tiền mà tôi tích góp 1 cách có nhiều người nghĩ là keo kiệt, bủn xỉn đó, sẽ giúp tôi tìm một giải pháp khi sống và làm việc ở Đức, như mở 1 quán ăn nhỏ hay cửa hàng. Tôi luôn nghĩ đến tình huống này và lúc đó, không có tiền thì có muốn cũng không làm gì được.
Phần 5: Những bài học khi sống và làm việc ở Đức
Vì chỉ ở nhà, nên có nhiều thời gian rảnh, trước đây, mỗi năm tôi có đi Urlaub loanh quanh các nước châu Âu một mình, nên tôi có nhiều thời gian và chủ yếu là lướt FB, đi comment dạo trên group hội sinh viên Đức. Dần dần, tôi được nhiều người biết đến vì những suy nghĩ trái chiều và được gọi là Idol sau bài tâm sự về nguy cơ ế vợ khi sống và làm việc ở Đức, miêu tả cuộc sống và làm việc ở Đức nhàm chán của tôi và muốn tìm người yêu mà không biết làm thế nào.
Đó là một dấu ấn kinh hoàng khi đọc những comment từ bài viết đó. Nhưng dù mạng ảo, cảm xúc là thật thì tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người bên dưới. Tôi không phải là nghệ sĩ hài, điều tôi muốn là mọi người có thể vui vẻ, cuộc sống và làm việc ở Đức diễn ra hằng ngày bên ngoài xã hội đã đủ mệt mỏi rồi, có thể chia sẻ gì đó qua mạng, giúp đem lại tiếng cười cũng là điều tốt để đóng góp cho cộng đồng (và kết giao bạn bè / tìm người yêu).
Hãy học tập tốt tiếng Đức: việc này rất rõ ràng. Ngôn ngữ là rào cản trong cuộc sống, khiến mọi người không thể hoà đồng. Việc học tập tốt ngoại ngữ giúp bạn tự tin trong học tập, làm việc. Nói ra những điều bạn nghĩ, bạn muốn nói để người khác hiểu được, là điều căn bản nhất trong giao tiếp mà ngoại ngữ cản trở. Vì vậy, tôi ngưõng mộ những bạn được học tập ở Đức và có khả năng ngoại ngữ tốt, vì tôi thấy tương lai của họ rất ổn định.
Có ít nhất một người bạn thân để tâm sự: mỗi người có một cuộc sống và làm việc ở Đức riêng, dù ở xa hay gần thì nếu bạn có một người bạn thân, sẵn sàng lắng nghe khi bạn gặp khó khăn, hay nếu ở gần thì tuyệt vời hơn nữa. Người bạn đó có thể là Việt Nam hay Đức, không quan trọng, quan trọng là không chất chứa những ưu tư, phiền muộn trong lòng và lâu dần dẫn đến trầm cảm.
Đối nhân xử thế ngoài đời hay trên mạng xã hội: khi sống và làm việc ở Đức, bạn hoàn toàn phải độc lập và tự quyết định mọi thứ, có rất nhiều cám dỗ, những kẻ muốn trục lợi từ tình cảm hay tiền bạc của bạn. Nếu bạn có cơ hội va chạm, giao tiếp nhiều, dần dần bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Tôi không có cơ hội như vậy, thời gian tôi dành nhiều cho FB để giao lưu với người khác và tôi hiểu rằng, mình không thể sống và làm việc ở Đức trái ngược với quan điểm của đám đông được, nhưng cũng không phải vì một ý kiến chê bai, dè bỉu của ai đó mà khiến cảm xúc hậm hực, chỉ muốn đôi co với người đó. Ý tôi muốn nói là, tranh luận ở ngoài đời hay trên FB, nếu tôn trọng lẫn nhau, không dùng những từ ngữ thù địch, thì sẽ không ai bị block, mà có thể kết nối thêm được nhiều bạn bè.
Hãy có 1 đam mê hay sở thích: bất kỳ việc gì, giúp bạn thấy có niềm vui mỗi ngày, thấy cuộc sống có ý nghĩa, đều có giá trị. Nếu đam mê đó đóng góp cho sự phát triển tương lai của bạn thì càng tốt. Bởi vì cuộc sống và làm việc ở Đức có nhiều khó khăn, nếu không có những niềm vui nho nhỏ đem lại, cảm giác sẽ thấy sống vô nghĩa và dẫn đến trầm cảm.
Hãy nghĩ tích cực hơn về thất bại: chắc chắn không phải tất cả những ai qua Đức đều có thể ở lại được dù muốn, nếu bạn qua học tập thì khi thành công rồi, nếu không tìm kiếm được công việc phù hợp ở Đức, việc quay về VN không phải là đường cùng. Ở Đức thu nhập có thể gấp 4 – 5 lần ở VN nhưng chi tiêu cũng cao hơn và phải sống và làm việc ở Đức – nghĩa là bạn phải chấp nhận xa gia đình, bạn bè. Nếu thất bại khi sống và làm việc ở Đức thì không có nghĩa bạn cũng sẽ thất bại khi sống ở VN, nếu bạn đã có được thành thích, kết quả học tập.
Cuối cùng, tôi không biết 5 năm tới của mình sẽ ra sao. Tôi biết là phải lấy vợ, sinh con và sẽ có nhiều bộn bề của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, 5 năm đầu ở Đức là những năm tháng khó khăn nhất đối với mỗi người, để tốt nghiệp, đi làm. Qua được rồi thì không có nghĩa phần còn lại sẽ chỉ toàn mầu hồng, nhưng ít ra cũng sẽ đỡ vất vả hơn vì những cố gắng đã đạt được.
Đây là bài viết tâm sự cuối cùng của tôi, vì tôi thấy sau 5 năm nhìn lại, mình cũng không có bước tiến gì nổi bật, không phải là người thành công trong cuộc sống để có gì khác chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng, bài viết có thể hữu ích cho các bạn trẻ trước và khi mới bắt đầu tới Đức. Sẽ có những ngày tháng mà cảm giác chỉ muốn trở về VN, từ bỏ mọi thứ, nhưng hãy nghĩ rằng, vì sao lại đến đất nước này, có lẽ bạn sẽ muốn thử thêm 1 lần nữa để vượt qua những khó khăn, để giúp bạn khôn lớn và trưởng thành hơn.
IECS và Vuatiengduc là công ty chuyên du học nghề Đức và trung tâm tiếng Đức uy tín nhất hiện nay. Với đội ngữ sáng lập đã sinh sống 20 năm tại Đức IECS và Vuatiengduc chúng tôi hiểu các bạn cần gì và sẽ tìm ra giải pháp cho từng học viên học tiếng Đức chuyên nghiệp.
https://iecs.vn/wp-content/uploads/2020/07/5-năm-sống-và-làm-việc-ở-Đức.jpg6281200Hannah Nguyenhttps://iecs.vn/wp-content/uploads/2018/10/210518ogoIECS_V3-80x80.pngHannah Nguyen2020-08-05 07:30:422021-11-25 06:56:165 năm sống và làm việc ở Đức – Những thăng trầm khó quên